CÁCH LÀM XÀ PHÒNG LỎNG CASTILE CỦA VITABOX
Bạn có bao giờ thắc mắc xà phòng được tạo ra như thế nào không? Hay...
Ngày nay, xà phòng là một sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi nhà. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chúng đã có một hành trình lịch sử dài và đáng kinh ngạc. Cùng Vitabox trở về thời cổ đại để khám phá lịch sử của xà phòng trong bài viết sau bạn nhé.
Cái tên “Soap” bắt nguồn từ truyền thuyết La Mã cổ đại về núi Sapo – một địa điểm được dùng để hiến tế động vật. Khi mưa xuống, mỡ và tro của động vật còn đọng lại ở bàn thờ nghi lễ bị cuốn trôi xuống bờ sông Tiber.
Những người phụ nữ giặt quần áo trên sông nhận thấy rằng nếu họ giặt đồ ở những nơi có bọt trên sông sau trận mưa lớn, quần áo trở nên sạch hơn rất nhiều. Đó là truyền thuyết kể lại về sự xuất hiện đầu tiên của xà phòng, tuy vậy núi Sapo vẫn chưa bao giờ được tìm thấy.
Xà phòng đã xuất hiện từ rất rất lâu. Người Babylon cổ đại sản xuất chúng từ năm 2800 trước Công nguyên. Bằng chứng là các nhà khảo cổ đã tìm được một chất giống với xà phòng trong các ống trụ bằng đất sét. Trên ống khắc dòng chữ mang ý là “mỡ đun sôi với tro” – một phương pháp thô sơ để làm soap.
Đến năm 1500 trước Công nguyên, giấy cói Ebers – Một tài liệu y học của Ai Cập đã mô tả việc kết hợp dầu động vật và thực vật với muối kiềm để tạo ra một chất tương tự xà phòng. Chất này được dùng để điều trị các bệnh về da và tắm rửa của người Ai Cập thời đó.
Xà phòng dần trở nên phổ biến hơn vào năm 100 – năm 400 trước Công nguyên trên khắp Đế quốc La Mã. Thói quen tắm rửa của người châu Âu cũng dần xuất hiện từ đó. Nhưng khi Rome bị thất thủ vào năm 467 sau Công nguyên, việc tắm rửa không còn được chú trọng và nhiều dịch bệnh thời Trung Cổ bắt đầu bùng phát.
Từ thế kỷ 17, thói quen này dần trở lại và tạo thành mốt ở châu Âu. Nhưng khi ngành công nghiệp xà phòng đang trên đà phát triển, chúng trở thành một mặt hàng bị đánh thuế nặng nề ở nhiều quốc gia. Mãi cho đến khi thuế được bãi bỏ vào năm 1853, mọi người mới có thể mua được xà phòng với mức giá phải chăng.
Một bước tiến quan trọng trong việc sản xuất xà phòng quy mô lớn xuất hiện vào năm 1791 (thế kỷ 18). Nicholas Leblanc – một nhà hóa học người Pháp đã được cấp bằng sáng chế cho quy trình biến đổi muối thông thường (Natri Clorua) thành chất kiềm gọi là tro soda.
Tro soda kết hợp với chất béo tạo thành xà phòng. Vì kiềm là chất quan trọng trong quy trình sản xuất xà phòng nên sáng chế này đã đưa ngành xà phòng phát triển vượt bậc trên toàn nước Mỹ vào năm 1850 (thế kỷ 19).
Loại xà phòng thiên nhiên làm từ kiềm và chất béo vẫn được sử dụng cho đến khi Thế chiến thứ nhất xảy ra. Nhu cầu tẩy rửa vết thương do chiến tranh gia tăng nhưng nguyên liệu làm xà phòng lại khan hiếm. Do đó, các nhà khoa học Đức đã tạo ra một dạng “xà phòng” mới được làm từ nhiều chất khác nhau và gọi chung với cái tên xà phòng tổng hợp.
Những nhà sản xuất xà phòng tổng hợp thường sử dụng chất béo từ mỡ động vật, dầu mỏ để tạo thành sản phẩm. Quá trình này khó kiểm soát được chất lượng đầu ra của xà phòng nên họ thường bổ sung thêm chất làm sạch, chất tạo bọt, hương liệu. Những chất này làm cho thành phẩm không còn đúng với bản chất của xà phòng thiên nhiên – cái mà chỉ được tạo ra từ kiềm và chất béo trước đó.
Ngoài ra, xà phòng tổng hợp thường bị loại bỏ Glycerin tự nhiên để kéo dài thời gian lưu trữ của sản phẩm. Glycerin là chất có đặc tính giữ ẩm, giúp xà phòng không làm khô da khi sử dụng. Do đó, so với xà phòng thiên nhiên, xà phòng tổng hợp chỉ có hiệu quả làm sạch và không hề thân thiện với làn da cũng như môi trường.
Đa số người dùng ngày nay ít hoặc không phân biệt được xà phòng thiên nhiên với xà phòng tổng hợp nên hay nhầm lẫn chúng là một. Đồng thời xà phòng tổng hợp có thời gian tạo thành phẩm nhanh hơn nên dần dần chiếm vị trí lớn trên thị trường. Và những loại xà phòng “quốc dân” mà ta đang dùng ngày nay, phần lớn là xà phòng tổng hợp.
Có thể bạn chưa biết, Castile soap ban đầu có dạng bánh và được gọi là xà phòng Aleppo, do chúng được sản xuất từ địa phương Aleppo của vùng Levant, phía Đông Địa Trung Hải. Lúc đó, những người làm xà phòng sử dụng dầu Oliu, tinh dầu lá Nguyệt Quế, kết hợp với dung dịch kiềm (tro) để tạo ra thành phẩm có dạng bánh cứng.
Xà phòng Aleppo du nhập đến châu Âu thông qua các cuộc Thập tự chinh từ năm 1095 – 1291. Nhưng những người làm xà phòng ở đây lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận tinh dầu lá Nguyệt Quế nên họ đã loại bỏ chúng và sử dụng hoàn toàn dầu Oliu kết hợp với tro để làm xà phòng.
Trong số những trung tâm làm xà phòng ở châu Âu, xà phòng thuộc vùng Castile của Tây Ban Nha được chú ý đến nhiều nhất. Vì nơi đây có lượng dầu Oliu dồi dào và xà phòng làm từ vùng này cũng nổi bật về cả chất lượng cũng như lợi ích làm sạch. Dần dần xà phòng vùng Castile thay thế xà phòng Aleppo cũ và cái tên Castile Soap cũng được ra đời từ đây.
Theo truyền thống, lượng dầu Oliu khi làm xà phòng phải đạt 90% mới được gọi là Castile. Nếu con số này chỉ ở mức 70% thì phải gọi là Bastille. Nhưng hiện tại định nghĩa đó đã lỗi thời và ít được áp dụng. Castile soap ngày nay không nhất thiết phải đạt mức % dầu Oliu đó, chỉ cần có thành phần dầu thực vật thì cũng được gọi là Castile.
Castile soap vẫn luôn được biết đến dưới dạng bánh cho đến thế kỷ 19, các nhà khoa học mới tìm ra Potassium Hydroxide (KOH). KOH là một dung dịch kiềm giống với NaOH (xút ăn da), kết hợp với chất béo sẽ tạo thành xà phòng. Nhưng điểm khác nhau giữa 2 loại kiềm này có thể thấy rõ nhất là NaOH cho ra thành phẩm cứng, có thể tạo thành khuôn. Trong khi thành phẩm của KOH sẽ không đông lại mà ở dạng lỏng, hơi đặc.
Vào khoảng những năm 1880, gia đình Heilbronner người Đức điều hành một doanh nghiệp sản xuất xà phòng đã tạo ra Castile lỏng đầu tiên, cung cấp cho các nhà vệ sinh công cộng trên khắp nước Đức. Dần dần Castile liquid soap của nhà Heilbronner trở nên phổ biến và lan rộng khắp nước Mỹ dưới cái tên Dr. Bronner’s.
Quy trình hình thành nên Castile soap dạng lỏng không khác biệt mấy so với Castile soap dạng bánh. Tương tự như cách mà người xưa đã làm xà phòng – kết hợp dung dịch kiềm cùng dầu thực vật. Nhưng thay vì chọn NaOH để xà phòng cứng lại thì sẽ sử dụng KOH để tạo thành dạng lỏng. Và phương pháp này cũng là cách làm xà phòng lỏng của Vitabox.
Do được làm hoàn toàn từ thành phần thiên nhiên và dung dịch kiềm được đảm bảo phản ứng hết trong quy trình sản xuất, nên Castile soap được đánh giá cao vì độ an toàn và thân thiện với mọi làn da. Bên cạnh đó, Castile soap còn mang lại hiệu quả làm sạch tốt và rất đa năng. So với xà phòng Castile dạng cứng, dạng lỏng dễ ứng dụng hơn. Có thể dùng Castile liquid soap trong nhiều mục đích từ làm sữa tắm, rửa tay cho đến giặt giũ quần áo.
>> Tham khảo thêm: Độ Ph Của Xà Phòng Và Những Vấn Đề Xoay Quanh
Từ những nguyên liệu tự nhiên đơn giản, xà phòng đã được phát triển và cải tiến qua nhiều thời kỳ, nhiều nền văn minh khác nhau. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về nguồn gốc của xà phòng, cách chúng được tạo ra và tại sao lại có cái tên Castile soap.
Đừng quên đón đọc thêm nhiều bài viết khác tại chuyên mục Blog của Vitabox bạn nhé!
Nguồn tham khảo:
Bạn có bao giờ thắc mắc xà phòng được tạo ra như thế nào không? Hay...
Castile liquid soap là một loại xà phòng thiên nhiên, có thành phần từ thực vật...
Cuộc sống dần trở nên hiện đại, càng có nhiều người quan tâm hơn đến sức...